Những điểm bất cập trong nền kinh tế được đề cập trong cuộc họp giao ban Ban IV Quý II/2023
2023-06-07 02:53:58
Ngày 02/06/2023 vừa qua, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã tổ chức cuộc họp giao ban với chủ đề “CẬP NHẬT TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ/ DOANH NGHIỆP & TRAO ĐỔI CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN TRONG BỐI CẢNH NHIỀU THÁCH THỨC”.
Cuộc họp dưới sự chủ trì của Ông Don Lam, Phó Trưởng Ban IV, Tổng Giám đốc Vina Capital và Ông Mai Hữu Tín, Thành viên Ban IV, Chủ tịch LĐ Doanh nghiệp Bình Dương.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã có bài trình bày về tình hình kinh tế vĩ mô/doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ. Xuyên suốt bài trình bày, ông đã nêu ra những điểm bất cập và đáng chú ý hiện nay của nền kinh tế. Theo dự báo, tình hình kinh tế năm nay sẽ ít tích cực hơn các năm trước, điều này cũng dễ hiểu do nền kinh tế đang gượng dậy phục hồi sau dịch Covid-19 cùng với đó là tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine đang tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Một bức tranh ảm đảm của nền kinh tế Việt Nam khi nợ xấu tại các ngân hàng đang gia tăng và theo thống kê trong vòng 5 năm gần đây giai đoạn (2019-2023) lĩnh vực công nghiệp - xây dựng lần đầu tiên tăng trưởng âm (-0,4%) (hình 1).
Hình 1. Quý 1/2023 lần đầu tiên trong 5 năm (2019-2023) lĩnh vực công nghiệp - xây dựng trưởng âm (-0,4%).
Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo tiêu cực, nền kinh tế vẫn có vài điểm sáng, điển hình là tỉ lệ lạm phát đã giảm từ 7,6% (năm 2022) xuống còn 5,2% (năm 2023) và được dự đoán sẽ giảm còn 3,2% vào năm 2024 (hình 2), tiêu dùng trong nước tăng trưởng tích cực và hứa hẹn từ Chính phủ về việc đầu tư công sẽ được đẩy mạnh chưa từng có vào năm nay.
Hình 2. Tỉ lệ lạm phát đã giảm từ 7,6% (năm 2022) xuống còn 5,2% (năm 2023).
Về tình hình xuất nhập khẩu vào thời gian tới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết việc giảm cả lượng và giá đã dẫn tới kim ngạch xuất khẩu giảm. Trong đó ngành gỗ đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm đến -28,7% (hình 3). Trong các thị trường XNK chính của Việt Nam có Hàn Quốc đã sụt giảm kim ngạch nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước khi giảm từ -7,1% xuống còn -26,8% (hình 4). Hơn nữa, năm sau (2024) cũng là năm áp thuế tối thiểu toàn cầu, do đó dự đoán tình hình đầu tư FDI sẽ không khả quan trong thời gian tới.
Hình 3. Xuất khẩu ngành gỗ bị ảnh hưởng nặng nề nhất giảm đến -28,7%.
Hình 4. XNK Việt Nam và Hàn Quốc đã giảm từ -7,1% xuống còn -26,8%.
Cập nhật từ phía Ban IV, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết hiện tồn kho bán lẻ ở Mỹ đã đạt 740 tỷ USD, điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ đang giảm vì lượng hàng tồn kho trong hệ thống bán lẻ hiện tại của họ đang ở mức báo động. Một dự đoán cho Việt Nam rằng nếu con số tồn kho 740 tỷ USD này giảm thì Việt Nam mới có cơ hội tăng xuất khẩu cho thị trường Mỹ, do đó biện pháp ngắn hạn cho các nhà sản xuất nước ta là phải xoay sang phát triển thị trường tiêu dùng trong nước trong giai đoạn tình hình xuất khẩu ảm đạm như hiện nay.
Trong cuộc họp này, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng đã đề xuất với Ban IV thông tin đến Chính phủ về việc chỉ đạo miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để phần nào giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp trong thời điểm tình hình xuất nhập khẩu ảm đạm như hiện nay.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - (người ngồi bên phải, [áo màu nhạt, vị trí thứ 2 từ trên xuống], cạnh vị đang phát biểu), đề xuất về việc miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nguồn: Hiệp hội VLA.